Tác Giả



Ký Nhà Ga

Montreal, Canada



 






KÝ NHÀ GA



Thu năm nay ở Montréal tiết trời ảm đạm nhưng đất bằng lại nổi sóng.

Mở hộp thư điện tử ra chỉ thấy những thông cáo, những kháng thư của các hội đoàn.

Người ở xa không biết tại sao nên Ký Nhà Ga đành phải tóm tắt các sự kiện để mọi người tiện theo dõi diễn biến của câu chuyện.

Số là ở thành phố chúng tôi tuy dân Việt không nhiều nhưng có đến ba tờ báo xuất bản hàng tuần chuyên sống nhờ quảng cáo của các cơ sở người Việt. Trong số những tờ báo này, có tờ Thời Báo Montréal là có bề thế hơn cả. Tờ báo sống mạnh từ nhiều năm nay, đủ giàu, đủ sức để tổ chức Đại Nhạc Hội, Phát giải thưởng v. v…

Tuy sống, làm ăn với người Việt mà đa số là những người tỵ nạn chính trị, lánh họa CS (tới lập nghiệp từ thập niên 70, 80, sau khi đất nước rơi vào tay Mafia Đỏ) mà lâu lâu TB lại có những bài vở gây phẫn nộ cho nhiều người tỵ nạn gốc miền Nam. Đến đây phải mở một dấu ngoặc để giải thích rõ hơn về thành phần những người Việt tại Montréal. Thành phố này nói tiếng Pháp nên những người chọn để xin lập nghiệp ở đây không nhiều. Họ đa số có trình độ, thất vọng vì sự phản bội của người Mỹ nên không xin đi Mỹ hay nhiều khi đã đến Mỹ rồi lại xin di chuyển về đây.

Cách đây khoảng bay tám năm, TB đăng một loạt bài hồi ký của ông Trường Kỳ trong đó có đoạn nói về việc Tổng Động Viên hồi Mùa Hè Đỏ Lửa. Ông Kỳ nói rằng hồi đó thanh niên Miền Nam sợ đi lính đến độ « đái ra quần ». Việc này đã gây công phẫn và có người đã viết bài phản bác. TB im re, không cải chính cải tà gì hết. Mọi sự rơi vào lãng quên. Vả lại, các hội đoàn và cá nhân vì thiếu phương tiện, phải nhờ đến TB để đăng các thông cáo, mời họp, đăng cáo phó, phân ưu v. v... nên:

Thôi thì chín bỏ làm mười.

Vì nắm được yếu tố này nên TB, cơ sở chính nằm tại Toronto, bình chân như vại. Công ty này sống vững, sống mạnh. Lại có đài phát thanh, có ấn bản ở Ottawa, ở Vancouver, làm ăn phát đạt. Việc đó không sao, ai làm ăn khá thì ta phải mừng cho họ. Tuy nhiên vì làm ăn khá nên TB buông thả, lâu lâu lại có một hành động khó hiểu. Việc TB tại Vancouver gần đây đăng thông cáo chính thức của đối phương CS được TB giải thích là do sơ sót của người nhận quảng cáo. Có người đặt câu hỏi là TB sơ sót nhưng CS có sơ sót không?

Người ta tưởng rằng với những kinh nghiệm đó TB sẽ cẩn trọng hơn trong việc làm để khỏi làm tổn thương những người bạn cùng chí hướng và hoàn cảnh như mình.

Việc đó cần thiết nếu TB thực sự đứng về phía những người tỵ nạn CS.

Còn nếu TB đứng về phía CS thì họ không có gì phải dấu diếm. Canada là xứ tự do, đây không phải là lần đầu tiên Montréal có tờ báo viết tiếng Việt thiên Cộng. Người Việt Nam sống tại Montréal là những người có trình độ và họ biết thế nào là dân chủ. Đảng CS không phải là đảng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Canada.

Thế nhưng TB không bao giờ tuyên bố như vậy.

Ta cứ cho rằng họ là người làm báo, thấy sao nói vậy, không bênh ai, bỏ ai.

Ký Nhà Ga tôn trọng lập trường này. Không ai có thể bắt người khác suy nghĩ như mình.

Ngày 30 tháng 8, 2008, TB chọn đăng một truyện ngắn của nhà văn mới nổi trong nước Nguyễn Ngọc Tư, sinh năm 1976, nghĩa là khi cô ấy sinh ra, các sĩ quan quân lực VNCH đã ngã ngựa, đa số nằm trong trại cải tạo, lê tấm than tàn, nhà tan, cửa nát…





Nhà văn này mới nổi lên gần đây. Ký Nhà Ga có đọc được một hai truyện ngắn của cô ta, cũng không dở.

TB chọn đăng một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có tiêu đề « Chuyện Vui Điện Ảnh » để đăng vào mục truyện ngắn cuối tuần.

Không hiểu sao TB không đề tên tác giả khi đăng truyện ngắn này. Nguyễn Ngọc Tư có nhận được nhuận bút từ TB hay không? Không ai biết.

Ký Nhà Ga thường không có thì giờ đọc truyện ngắn cuối tuần của TB. Ký tôi biết được truyện này là do một ông bạn già, cựu sĩ quan, vợ bỏ, chịụ khó chờ gần ba tiếng ở nơi làm việc. Tưởng anh cần nhờ việc gì nhưng anh chỉ bảo: Tôi đến đưa anh tờ báo này, về đọc đi rồi cho tôi ý kiến. Bọn này loạn quá rồi, chịu hết nỗi.

Chiều hôm đó KNG đem báo ra đọc. Đọc xong, mất ngủ một đêm.

Đánh người ngã ngựa đến thế này thì thực là quá đáng.

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư mô tả người sĩ quan quân lực VNCH nói riêng, và người của miền Nam thời đó, nói chung, (trong đó có Nguyễn Lạc Hóa, một ông cha của Biệt Khu Hải Yến) như những con quỷ: Hiếp dâm phụ nữ, xé xác trẻ sơ sinh, mổ bụng, ăn gan v. v…







Dân Việt Nam dù dữ dằn cách mấy cũng không phải bọn ăn thịt người. Nguyễn Ngọc Tư không biết rằng viết quá đáng đến như vậy, cô ta vô tình sỉ nhục cho người VN, nếu truyện của cô được dịch ra ngoại ngữ cho người ngoại quốc đọc, họ nghĩ sao về người VN. Chúng ta da vàng mũi tẹt như nhau.

Tuy nhiên ta không trách Nguyễn Ngọc Tư. Một là cô ta là nạn nhân của tuyên truyền CS (điều này khó đứng vững vì một nhà văn thì phải biết phán đoán), hai là cô ta làm việc tuyên truyền một cách rẻ tiền. Cả hai điều đều đem giá trị của cô ấy xuống thấp hơn sự mong đợi của nhiều người, thực là đáng tiếc.

Trong rất nhiều truyện của Nguyễn Ngọc Tư, tại sao TB lại chọn truyện này, và lại cho đăng ở số TB cuối tuần ở MTL, là số báo được nhiều người đọc? TB cố ý, hayTB vô tình?

Dĩ nhiên là việc này phải ầm ỉ lên.

Và dĩ nhiên TB lại đính chính (một vài hàng vắn tắt, lại do lỗi một nhân viên thừa hành, thiếu kinh nghiệm, đã sơ sót v. v…

Ban chấp hành Công Đồng người Việt Quốc Gia tại Montréal, tuy bận rộn với việc phải đối phó với sự hiện diện của Việt Cộng trong hội nghị Pháp Thoại (Francophonie), dĩ nhiên không thể bỏ qua việc này.

Một phiên họp được tổ chức, với sư có mặt của BCH cộng đồng, các đại diện các hôi ái hữu, các nhân sĩ v. v… Thời Báo cũng được mời. Người ta ai cũng muốn TB có cơ hội nói lên một cách trung thực nguyên ủy của sự việc.

Chủ Nhiệm, Chủ Bút Thời Báo không thèm đến họp với Cộng Đồng, cũng không cử người đến giải thích gì hết. Hình như họ không coi CĐ ra gì. Bên lề phiên họp, người ta còn biết được là TB, với phương tiện cũa mình, năm nay lại có ý định tổ chức chợ Tết, sớm hơn một tuần. To hơn, nhiều ca sĩ mướn từ Mỹ sang hơn v. v… chợ Têt truyền thống của CĐ.

Sau cùng thì những người dự phiên họp do CĐ tổ chức đi tới một quyết định là không thể tiếp tục liên lạc với TB được. Và dĩ nhiên khi phiên họp đã đi tới một quyết định như vậy, BCH của CĐ có bổn phận thông báo đến các hôi viện và các hôi đoàn thành viên của CĐ, tránh cảnh Ông nói Gà, Bà nói Vịt.

Vì phải soạn thảo văn bản, và để mọi người có thêm thì giờ suy nghĩ chín chắn, (dĩ nhiên trước một quyết định quan trọng, thể nào cũng có những ý kiến khác biệt) nên sau nhiều chờ đợi, sau cùng thì một bản thông báo chính thức đã được phổ biến bằng mọi phương tiện đến các hội viên. Quyết định cắt đứt mọi liên lạc với TB tuy trễ nhưng rất vững chắc, rất mạnh mẽ, nói lên sự đồng lòng của người Việt vùng Montréal, đã trưởng thành trong một xã hội dân chủ, văn minh, không đập phá, không xé xác ai, không ăn thịt ai.

CĐ không phải là cơ quan duy nhất phải đau đầu về hành động của TB.

Hội Cựu Quân Nhân vùng Montréal còn đau hơn về bài báo. Có thể nói bài báo đó là một vết đòn hằn quất thêm lên lưng con ngựa hoang đã bầm dập sau cơn phong ba.

TỔ QUỒC, DANH DỰ, TRÁCH NHIỆM

Ba điều đó là ba điều tâm niệm của người quân nhân.

Nay tổ quốc đã mất vào tay bọn Mafia đỏ.

Danh dự thì bị lăng nhục, bị bôi bẩn vì một kẻ hậu sinh, chưa đáng tuổi con mình.

Những người chiến sĩ già đó bị đâm vào lưng, bởi những kẻ mà có thời mình tưởng là bạn, dùng sự ngu dốt của một bồi bút, như một lưỡi dao, để đào, để xoáy vào vào những vết thương không bao giờ lành.

Vì những đồng đội đã nằm xuống, vì những kẻ kém may mắn còn ở lại trong đất nước thảm thương, (đất nước mà người cầm « Hộ Chiếu » ký bởi bọn Mafia Đỏ, phải xấu hổ mỗi khi trình ra), người cựu quân nhân vùng Montréal không còn một lựa chọn nào khác hơn là ra một kháng thư. Đó là Trách Nhiệm của họ.

Và họ đã làm điều đó.



Lời Bàn của Ký Nhà Ga:

Đừng bao giờ đùa với Danh Dự của một quân nhân.

Chuyện Vui Điện Ảnh không có gì vui hết. Chỉ là chuyện giỡn mặt mà thôi!





KÝ NHÀ GA


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com